7 năm & bước chuyển mình của Phật giáo Nghệ An

TT. Thích Thọ Lạc - Phó ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An
TT. Thích Thọ Lạc - Phó ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An

GNO - Theo kế hoạch, trong thời gian tới, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh tổ chức Đại hội Phật giáo các huyện Nam Đàn, TP.Vinh và Quỳnh Lưu.

Trước thềm Đại hội đại biểu Phật giáo huyện Nam Đàn sắp diễn ra, Giác Ngộ online đã có cuộc trao đổi về tình hình hoạt động Phật sự của Phật giáo tỉnh Nghệ An với TT.Thích Thọ Lạc, Phó ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh. Thượng tọa cho biết:

- BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An dự định thành lập Phật giáo cấp huyện ngay sau khi được UBND tỉnh chấp thuận về mặt chủ chương từ năm 2016. Song, xét thấy nhân sự còn quá mỏng, nên đã tạm phân công các thành viên trong Ban Trị sự tỉnh, mỗi thành viên phụ trách một huyện; cho đến thời điểm này, số lượng Tăng Ni tăng dần, nên BTS đã quyết định một số huyện có số lượng từ 5 vị sư và 5 ngôi tự viện trở lên thì cho tổ chức thành lập đơn vị Phật giáo cấp huyện.

* Thượng tọa có thể cho biết tại sao đến thời điểm hiện nay mới xúc tiến được việc Đại hội Phật giáo cấp huyện ở Nghệ An?

- Khi các huyện có số lượng Tăng Ni và tự viện tăng trưởng thì nhu cầu tín ngưỡng tâm linh và tu học Phật pháp của Phật giáo cũng theo đó mà gia tăng. Khi đó, việc ra đời Ban Trị sự cấp huyện sẽ làm giảm tải công việc cho Ban Trị sự cấp tỉnh; đồng thời, cũng thuận tiện cho việc quản lý không chỉ về phía Phật giáo, mà cả các cơ quan quản lý nhà nước. Do vậy, việc thành lập Ban Trị sự cấp huyện vào thời điểm này là phù hợp với tình hình thực tế chung của Phật giáo Nghệ An.

* Nhìn lại quá trình phát triển của Phật giáo Nghệ An từ khi hình thành hồi năm 2011 đến nay, Thượng tọa có đánh giá như thế nào?

- Khi thành lập Giáo hội Phật giáo tỉnh Nghệ An, mới chỉ có 5 ngôi chùa được phục dựng và có 10 vị sư, trong đó chỉ có 8 vị sư đã được thuyên chuyển về sinh hoạt tại Nghệ An, còn 2 vị sư được tăng cường từ Trung ương Giáo hội và có khoảng 20.000 tín đồ Phật tử.

Trong Đại hội Phật giáo lần thứ nhất (năm 2011), chỉ có 10 thành viên trong Ban Trị sự, do HT.Thích Thanh Nhiễu làm trưởng ban. Đến nay, đã có 55 vị Tăng Ni, 55 ngôi tự viện, trong đó có 36 ngôi chùa đã được bổ nhiệm sư trụ trì; và có 100.000 tín đồ Phật tử theo Phật giáo trên đất Nghệ An. Và trong Đại hội Phật giáo tỉnh Nghệ An lần thứ hai, gồm 25 thành viên tham gia Thường trực, tăng so với nhiệm kỳ lần thứ nhất 15 thành viên, HT.Thích Thanh Nhiễu được tái suy cử làm trưởng ban. Phật giáo Nghệ An từ khi thành lập đến nay, những thuận lợi cũng nhiều, mà khó khăn cũng không ít.

+ Thuận lợi: Là do bản chất của con người Nghệ An mạnh mẽ, siêng năng, hiếu học, có cảm tình sâu sắc với Phật giáo từ xa xưa, nên sự ra đời đơn vị Phật giáo chính thống trong hệ thống của giáo hội là chỗ dựa vững chắc cho các tín đồ Phật tử và quần chúng nương theo. Mặt khác, BTS cũng là địa chỉ tin cậy để cho các cơ quan quản lý nhà nước yên tâm tạo điều kiện giúp đỡ để Phật giáo Nghệ An từng bước ổn định và phát triển.

+ Khó khăn: Là do nhu cầu tin ngưỡng tâm linh và tu học của quần chúng Phật tử cao, nhưng số lượng tăng Ni lại quá ít, do đó, dẫn đến cung không kịp cầu. Đồng thời, hầu như các ngôi chùa ở Nghệ An, mặc dù đã được nhà nước có quyết định cho phục dựng, tuy nhiên đều là những ngôi chùa đã bị phế tích; do vậy, đã khiến cho các Tăng Ni về hoạt động Phật sự tại Nghệ An trong giai đoạn vừa qua và hiện nay, vừa phải phục vụ tín ngưỡng, hướng dẫn tu học cho số đông quần chúng Phật tử, vừa phải tập trung tâm lực cao độ vào việc quy hoạch xây dựng lại chùa.

Đặc biệt, Phật giáo tại một số huyện miền núi còn không ít khó khăn, mặc dù gần đây đã được giáo hội và nhà nước quan tâm, nhưng vẫn đòi hỏi phải có thời gian, cộng với sự nỗ lực của các Tăng Ni, Phật tử và sự tạo điều kiện mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan quản nhà nước thì mới hy vọng ánh sáng Phật pháp được tỏa sáng trên nơi vùng sâu vùng xa đó.

Trong kế hoạch hoạt động toàn nhiệm kỳ, BTS cũng đã đưa ra những giải pháp để phát triển Phật giáo trên quê hương xứ Nghệ đó là: Đoàn kết, thống nhất, tăng cường kỷ luật, đồng tâm hiệp lực của các thành viên Ban Trị sự, Tăng Ni, Phật tử; phát huy hiệu năng hành chính, làm việc của bộ máy Văn phòng và các Ban chuyên môn, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ban Trị sự; phối hợp với  các cơ quan chức năng chỉ đạo, giải quyết kịp thời việc phục hồi chùa, xin cấp đất xây dựng các chùa có nền móng cũ, nắm bắt tâm tư, tháo gỡ khó khăn cho các chùa và Tăng Ni, Phật tử ở địa phương…

* Vì sao chọn huyện Nam Đàn làm Đại hội điểm lần đầu? Từ nay đến hết nhiệm kỳ Phật giáo tỉnh, có tiến hành tổ chức Đại hội thành lập Phật giáo các huyện còn lại không?

- Hiện nay Phật giáo huyện Nam Đàn có 11 ngôi chùa, trong đó có 6 chùa đã có sư trụ trì; có gần 20 vị sư là thành viên đang sinh hoạt hợp pháp trên địa bàn Nam Đàn; cũng là một trong những đơn vị có số lượng đông tín đồ Phật tử so với các huyện trên địa bàn toàn tỉnh. Hơn nữa, những hoạt động quan trọng của Phật giáo tỉnh đã thường xuyên diễn ra tại chùa Đại Tuệ (xã Nam Anh, huyện Nam Đàn) từ năm 2011, sau khi Đại hội Phật giáo tỉnh Nghệ An đến nay. Đó chính là lý do mà BTS Phật giáo tỉnh Nghệ An đã chọn Phật giáo Nam Đàn tổ chức đại hội điểm đầu tiên trong đợt đầu, vào ngày mai, 20-5-2018, đúng vào dịp diễn ra Lễ hội Hương sen xứ Nghệ (Kính mừng Phật đản PL.2562 và kỷ niệm lần 128 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) và dịp huyện Nam Đàn đón nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

nghe an.jpg
Lễ tắm Phật PL.2562 có sự tham dự của lãnh đạo tỉnh Nghệ An diễn ra tại chùa Đại Tuệ - Ảnh: Thành Cường

Trong nhiệm kỳ 2017-2022, mong muốn của BTS Phật giáo tỉnh Nghệ An sẽ lần lượt thành lập được BTS khoảng một nửa trong tổng số 21 huyện, thị, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh. Vào cuối tháng 7 âm lịch năm nay, dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức Đại hội Phật giáo TP.Vinh và tháng 9 âm lịch sẽ Đại hội Phật giáo huyện Quỳnh Lưu.

Đồng thời, sắp tới sẽ thành lập Phật giáo các huyện Yên Thành, Hưng Nguyên, Diễn Châu và Đô Lương vào năm 2019 hoặc 2020; và tiếp theo đó là các huyện khác có số lượng tự viện, Tăng Ni, Phật tử đông sẽ xem xét và ra mắt Ban Trị sự cấp huyện tiếp theo. Đó là chủ trương chung của Phật giáo tỉnh Nghệ An

* Theo Thượng tọa, cần làm gì để Phật giáo các huyện tại Nghệ An hoạt động ngày càng tốt hơn?

- Sau khi cùng các sở ban ngành của tỉnh đi thăm, khảo sát tình hình Phật giáo các huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An, chúng tôi nhận thấy nhu cầu đời sống tâm linh về Phật giáo của quần chúng Phật tử và nhân dân rất cao. Trong khi đó số lượng tự viện và Tăng Ni còn quá ít, khiến cho các tín đồ Phật tử, đặc biệt là ở các huyện miền núi gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện đời sống tâm linh của họ.

Ban Trị sự tỉnh đã chỉ đạo cho các Tăng Ni phụ trách cần phối hợp với các Tăng Ni phụ trách các chuyên ngành thuộc Tỉnh hội, tăng cường công tác hoằng pháp, hướng dẫn Phật tử, nghi lễ, văn hóa và từ thiện; trước mắt sớm thống kế số lượng tín đồ Phật tử trong địa bàn huyện, đồng thời liên hệ và đề nghị với cơ quan quản lý nhà nước cấp đất, cho phép thành lập khi nhu cầu cần và đủ.

Đồng thời, Ban Trị sự tỉnh cũng chỉ đạo các Tăng Ni phụ trách các huyện tập trung tâm lực, vật lực và thời gian cho các Phật sự tại huyện mình đang phụ trách, để có thể sớm ra mắt được Ban Trị sự cấp huyện trong thời gian sớm nhất có thể, trên tinh thần và tiêu chí của Ban Trị sự đã đề ra.

* Kính cảm ơn Thượng tọa đã dành thời gian trò chuyện!

Nhân sự Phật giáo huyện

Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nghệ An thống nhất đề ra tiêu chí cho Đại hội Phật giáo cấp huyện là “Đoàn kết - Ổn định - Kế thừa”. Do vậy, việc cơ cấu nhân sự phải đảm bảo 3 tiêu chí trên.

Thứ nhất, phải đảm bảo được yếu tố đoàn kết trong nội bộ giữa các Tăng Ni với Tăng Ni, giữa các chùa với các chùa, giữa các Tăng Ni với Phật tử… Thứ hai, phải đảm bảo được tính ổn định sau khi đại hội. Thứ ba, phải có tính kế thừa lâu dài.

Chính vì những yếu tố nêu trên, nên Ban Tổ chức Đại hội đòi hỏi các thành viên dự kiến tham gia vào Ban Trị sự phải có năng lực trình độ, có uy tín, có tinh thần trách nhiệm chung, trừ vị đứng đầu là ở độ tuổi trung niên, số thành viên còn lại hầu như đều trong độ tuổi từ 25 đến 35 tuổi, có thể kế thừa được nhiều nhiệm kỳ trong tương lai.

Thiết nghĩ, với cách quy hoạch nhân sự như vậy, sau khi Đại hội, Phật giáo các huyện đó chắc chắn sẽ từng bước ổn định và phát triển vững bền.

TT.Thích Thọ Lạc

Hữu Tình thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.