7 cách giảm stress hiệu quả

GN - Mỗi người ai cũng có thể bị stress. Và nếu không kiểm soát được stress, stress có thể gây ra nhiều tác hại xấu đến sức khỏe.

Một nghiên cứu năm 2006 của Đại học Tel Aviv (Israel) phát hiện rằng người bị stress nhiều có nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 cao hơn người bình thường đến 1,8 lần. Một nghiên cứu khác của Đại học California (San Francisco) cho thấy hormone stress gây ra các bất ổn cho da như chàm hoặc vẩy nến.

ngoi thien.jpg


Thiền tập như giúp giảm stress, hạ huyết áp cao, làm giảm các cơn đau… (Ảnh minh họa)

Dưới đây là 7 cách giúp giảm stress hiệu quả được các chuyên gia khuyến nghị trên trang web Live Science. Cụ thể như sau:

1 - Hãy tham gia lớp học yoga

Yoga ngoài giúp hình thể cân đối còn cải thiện sự linh hoạt và giúp vượt qua stress, hạ giảm các chứng viêm nhiễm. 

2 - Hãy ngủ nghỉ đầy đủ

Ngủ đủ giấc giúp sắc diện tươi tỉnh và giúp cải thiện sức khỏe, giảm mức stress - theo CDC. Trái lại, thiếu ngủ lại đưa ta vào một vòng luẩn quẩn; đó là cảm thấy stress, mất ngủ về đêm, cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng vào ngày hôm sau.

Nghiên cứu năm 2010 của Viện Nghiên cứu Giấc ngủ Clayton cho thấy người bị stress kinh niên thường có thời gian ngủ ngắn và chất lượng giấc ngủ kém. Nghiên cứu cũng ghi nhận những người ngủ ít thường cảm thấy stress nhiều hơn.

3 - Liệu pháp trò chuyện

Liệu pháp trò chuyện thường được sử dụng để kiểm soát stress, làm giảm các biểu hiện của stress và lo lắng. Theo đó, bệnh nhân (người bị stress) và các chuyên gia trị liệu tâm lý cùng nhau thảo luận về các vấn đề bệnh nhân đang gặp phải, cùng làm việc với nhau để điều chỉnh các suy nghĩ tiêu cực và bất hợp lý.

4 - Hãy vận động nhiều hơn

 Tập thể dục tốt cho người bị stress và giúp giảm stress vì thể dục làm giảm mức độ cortisol. Cortisol là hormone được phóng thích từ tuyến thượng thận khi bị stress, lo âu, tức giận hay sợ hãi. Cortisol làm tăng sự viêm nhiễm và phá hoại các cơ quan.

Thể dục giúp tiêu hủy cortisol, làm chúng ta cảm thấy vui hơn và khỏe mạnh hơn. Ngoài ra, tập thể dục còn kích thích não sản sinh endorphin - loại dẫn truyền thần kinh mang lại trạng thái tinh thần thoải mái và dễ chịu.

CDC khuyến nghị nên thực hiện các động tác căng cơ ở các nhóm cơ như: chân, lưng, ngực, bụng, vai và cánh tay ít nhất 2 lần mỗi ngày hoặc vận động thể chất vừa phải 2,5 giờ đồng hồ mỗi tuần.

5 - Hành thiền

Nhiều nghiên cứu đã khẳng định tác dụng của thiền tập như giúp giảm stress, hạ huyết áp cao, làm giảm các cơn đau,…

Nghiên cứu năm 2008 của Đại học Emory (Atlanta) cho thấy thiền giúp tăng cường sự tỉnh thức và giúp kiểm soát suy nghĩ qua việc tập trung vào hơi thở; giúp chữa được các chứng bất ổn do sự phân tán tư tưởng như tập trung kém và tăng động.

6 - Thường xuyên cười to

Cười to là một liệu pháp điều trị stress. Nghiên cứu do Đại học Loma Linda thực hiện năm 2001 cho thấy người tham gia nghiên cứu khi xem một video hài thì giảm được mức hormone cortisol và epinephrine. Bên cạnh đó, mức endorphin tăng lên làm cho trạng thái tinh thần tốt lên.

Cười to không chỉ giúp xử lý stress và các bất ổn cảm xúc mà cười to còn giúp giảm đau. Một báo cáo vào tháng 9 qua của Đại học Oxford kết luận rằng cười to giúp tăng ngưỡng chịu đựng đối với các cơn đau nhờ sự kích hoạt sản xuất các dẫn truyền thần kinh endorphin.

7 - Không nên lúc nào cũng “trút bầu tâm sự”

Phàn nàn, kể lể về những điều bạn stress với người khác không phải lúc nào cũng là giải pháp giúp giảm stress. Một nghiên cứu xuất bản vào tháng 7 qua của Đại học Kent (Anh quốc) cho thấy chính sự cầu toàn ở cả người tâm sự và người còn lại có thể làm tâm trạng người chia sẻ xấu hơn trước khi trò chuyện cùng bạn bè.

Chuyên gia tâm lý xã hội học Brad J. Bushman, Đại học bang Ohio khẳng định: Trút bầu tâm sự không làm giảm stress mà còn làm stress tăng thêm.

Trong trường hợp chia sẻ với người đang bị stress, bạn hãy thử các cách sau để giúp người bị stress như sự khôi hài, nói về sự chấp nhận và hướng đến các suy nghĩ tích cực.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.