5 diễn đàn tại Hội thảo tiếng Việt thuộc Đại lễ Vesak

GNO - Sáng nay, 11-5, tại Trung tâm Hội nghị Tam Chúc (Hà Nam), nơi diễn ra Đại lễ Vesak LHQ 2019 đã diễn ra chương trình hội thảo quốc gia, chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”.
DSCF0010.jpg


Quang cảnh phiên thảo luận Phật giáo về tiêu thụ và phát triển bền vững

50 chư tôn đức, học giả, nhà nghiên cứu đã trình bày các tham luận tại 5 diễn đàn bao gồm: Lãnh đạo chính niệm vì hòa bình bền vững; Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững; Phật giáo về giáo dục đạo đức toàn cầu; Phật giáo và cách mạng Công nghiệp 4.0; Phật giáo về tiêu thụ và phát triển bền vững.

Phát biểu về diễn đàn Phật giáo và cách mạng công nghiệp 4.0, TT.TS Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, nhận định, cách mạng 4.0 đang len lỏi vào cuộc sống, Phật giáo cần ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng vào hoằng pháp để lời Phật dạy đi xa hơn, đến với số đông đại chúng. Tuy nhiên, theo Thượng tọa, dù cách mạng công nghiệp phát triển đến đâu thì giáo lý Đức Phật vẫn là giá trị bất biến giúp con người được an lạc, hạnh phúc, tiến tới đời sống giải thoát.

DSCF0015.jpg


TT.Thích Đức Thiện phát biểu tại diễn đàn Phật giáo và cách mạng Công nghiệp 4.0

TT.TS Thích Nhật Từ, Phó Tổng Thư ký Uỷ ban Tổ chức quốc gia Đại lễ của GHPGVN, phụ trách mảng hội thảo Đại lễ Vesak cho biết, đây là lần tổ chức nhận được số lượng tham luận nhiều nhất từ trước tới nay và có chất lượng cao.

Theo Thượng tọa, Ban Tổ chức đã nhận được gần 400 bài tham luận của các đại biểu, học giả quốc tế bằng tiếng Anh, mỗi bài trung bình từ 10 - 18 trang A4. 

Bên cạnh đó, tham luận của 110 đại biểu trong nước được viết bằng tiếng Việt được tập hợp thành bản thảo của 14 cuốn sách tiếng Anh và 16 cuốn sách tiếng Việt và đã gửi nhà in. Các sách này được sắp xếp theo chủ đề, mỗi cuốn sách trung bình từ 400 trang đến 600 trang. 

Đại biểu quốc tế có 1.650 vị, nên mỗi cuốn sách tiếng Anh sẽ in 2.000 bản, phát cho mỗi đại biểu quốc tế; còn lại 350 bộ ấn phẩm sẽ dành tặng các cơ quan làm kỷ niệm. Với các sách tài liệu tiếng Việt, mỗi cuốn in 4.000 bản để tặng các đại biểu trong nước. 

Có tham luận tại diễn đàn Phật giáo và cách mạng Công nghiệp 4.0, HT.TS Thích Tấn Đạt, Phó VP II T.Ư đặt vấn đề về hồi ứng của Phật giáo, của ngành Hoằng pháp để thích nghi, tận dụng những thành tựu của nó trong việc hướng dẫn tu tập, hoằng truyền Chánh pháp ở VN hiện nay.

Theo TS Hà Minh Hồng, giảng viên ĐH KHXH&NV TP.HCM, chính niệm vì hòa bình là sự tỉnh giác, sự chú ý tâm đến nền hòa bình ổn định và phát triển đất nước, khu vực và toàn thể nhân loại” khi nói về chủ đề “Lãnh đạo chính niệm vì hòa bình bền vững”.

“Đức Phật được xưng tôn là vị sứ giả hòa bình. Chánh niệm vì hòa bình không chấp nhận chiến tranh vì chiến tranh nào cũng tàn khốc”, TS Minh Hồng chia sẻ.

DSCF0019.jpg
HT.Thích Bảo Nghiêm phát biểu khai mạc diễn đàn "Gia đình hòa hợp và xã hội bền vững"

DSCF0031.jpg
Quang cảnh một phiên thảo luận

DSCF0025.jpg
HT.Thích Gia Quang phát biểu tại phiên "Lãnh đạo chính niệm vì hòa bình bền vững"

DSCF0012.jpg
HT.Thích Huệ Thông phát biểu

DSCF0034.jpg
TT.TS Thích Thanh Quyết phát biểu

Chiều nay, 45 tham luận của chư tôn đức và học giả sẽ tiếp tục được trình bày tại các diễn đàn cùng tên.

Về chương trình Đại lễ Vesak LHQ 2019 chiều 11-5 còn có họp Ủy ban Quốc tế Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV), công bố ra mắt mạng xã hội Phật giáo Butta.vn; ra mắt bộ tem chào mừng Đại lễ Vesak, diễu hành xe hoa từ TP.Phủ Lý về chùa Tam Chúc.

Giác Ngộ online sẽ tiếp tục tường thuật tin, ảnh liên quan tới bạn đọc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.